Chiều ngày 9/7, UBND phường Sa Pa tổ chức Hội nghị triển khai phương án lấy ý kiến cử tri về việc đổi tên, các tổ dân phố, nhằm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính, xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội phường, lãnh đạo các phòng ban chuyên môn cùng Bí thư chi bộ, Tổ trưởng của 27 tổ dân phố trên địa bàn.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Phạm Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND phường nhấn mạnh: Việc đổi tên các tổ dân phố là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh phường Sa Pa mới, được thành lập trên cơ sở sáp nhập 6 phường cũ gồm Sa Pa, Phan Si Păng, Hàm Rồng, Sa Pả, Cầu Mây và Ô Quý Hồ. Sau sắp xếp, địa bàn phường hiện có 27 tổ dân phố với hơn 4.400 hộ dân, hơn 22.000 nhân khẩu. Tuy nhiên, tình trạng trùng tên giữa các tổ dân phố khiến công tác quản lý hành chính, hộ tịch, phát hành văn bản, giấy tờ và triển khai các chính sách gặp nhiều khó khăn, dễ gây nhầm lẫn, thiếu nhất quán.

Quang cảnh.
Việc đổi tên nhằm đảm bảo mỗi tổ dân phố có tên gọi rõ ràng, duy nhất, phù hợp với đặc điểm truyền thống, văn hóa và được Nhân dân đồng thuận. Đây cũng là bước quan trọng để thống nhất dữ liệu dân cư, hộ tịch, phục vụ tốt hơn công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền đô thị văn minh, hiện đại.

Thảo luận tại hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng về phạm vi, đối tượng lấy ý kiến, cách thức triển khai và những khó khăn thực tế như: tình trạng một số hộ có hộ khẩu tại tổ này nhưng sinh sống ở nơi khác; cần thống nhất chỉ lấy ý kiến hộ dân có hộ khẩu thường trú; phân chia tổ lấy ý kiến hợp lý để tránh chồng chéo, chậm tiến độ. Các ý kiến đều được đồng chí Phó Chủ tịch UBND phường và lãnh đạo phòng Kinh tế- xã hội giải đáp, tiếp thu và thống nhất phương án triển khai.

Bà Lù Thị Thăm, Trưởng phòng VH, Xh phường Sa Pa phát biểu tại hội nghị.
Theo kế hoạch, 27 tổ công tác cũng đã được thành lập để lấy ý kiến, tổ chức tuyên truyền, phát phiếu, hướng dẫn người dân ghi phiếu theo đúng quy trình. Việc lấy ý kiến được thực hiện từ ngày 10 đến 12/7, kết quả sẽ được tổng hợp và báo cáo UBND phường trước 16h ngày 12/7 để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Toàn bộ quá trình này đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, đúng quy định, với yêu cầu trên 50% số cử tri đại diện hộ gia đình đồng thuận với phương án đổi tên.
Dự kiến, các tên mới sẽ được đặt theo hướng gắn tên phường cũ với số thứ tự của tổ dân phố, như: Sa Pa 1, Phan Si Păng 1, Hàm Rồng 1…, vừa giữ được yếu tố truyền thống, lịch sử vừa tránh trùng lặp, dễ nhận diện, thuận tiện cho quản lý lâu dài.
Đây là bước chuẩn bị quan trọng để bộ máy chính quyền phường Sa Pa mới sớm vận hành ổn định, phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhân dân, góp phần xây dựng đô thị du lịch Sa Pa phát triển bền vững, văn minh, hiện đại.
Lê Hưng